Là 'ông kẹ' trên thị trường bán lẻ toàn cầu, Walmart vẫn phải chật vật tìm lối thoát tại thị trường Trung Quốc

19/09/2024 04:36

Walmart được biết tới là nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, nhưng trong những năm gần đây, thị phần của công ty này tại Trung Quốc đang dần bị chiếm bởi các đối thủ nội địa.

Walmart là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới, nhưng kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1986, công ty vẫn đang mắc kẹt trong con đường đi đến thành công tại thị trường tỷ dân, theo Wall Street Journal.

Dù đạt được một số thành công nhất định, song thị phần của Walmart tại Trung Quốc vẫn chưa đáng kể so với những nhà bán lẻ nội địa. Walmart đã xây dựng mô hình đại siêu thị với kỳ vọng tạo ra sự thống trị tại Trung Quốc như những thị trường khác, nhưng giờ đây chính mô hình này lại đang “sống lay lắt” giữa một rừng nhà bán lẻ nội địa.

Vướng phải nhiều lùm xùm

Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây cũng gây thêm sự căng thẳng đối với Walmart khi hoạt động kinh doanh tại thị trường tỷ dân. Thậm chí, gã khổng lồ ngành bán lẻ của Mỹ đã cân nhắc bán một phần hoạt động của công ty tại Trung Quốc để cải thiện mối quan hệ với quốc gia này.

Bên cạnh đó, các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt gần đây ở một số thành phố lớn tại Trung Quốc cũng khiến các nhà bán lẻ theo mô hình truyền thống như Walmart gặp khó. Chỉ tính riêng trong tháng 4, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đã giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.

CEO Walmart Doug McMillon thừa nhận rằng khó khăn lớn nhất hiện nay trên thị trường quốc tế của gã khổng lồ này là những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại Trung Quốc.

Theo ý kiến của các chuyên gia, yếu tố chính trị từ xưa tới nay luôn là một phần có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, và ví dụ tiêu biểu nhất cho điều này chính là trường hợp của Walmart hiện tại.

Theo Wall Street Journal, Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đã quyết định cấm các công ty của Mỹ nhập khẩu những sản phẩm từ Tân Cương, một khu vực tự trị thuộc Trung Quốc, vì các vấn đề liên quan tới người lao động.

Chính vì vậy, Walmart đã loại bỏ các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực này tại những cửa hàng ở trong lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này lại khiến những người tiêu dùng Trung Quốc không hài lòng, và họ nhanh chóng tạo ra một làn sóng phản đối gã khổng lồ bán lẻ nước mỹ.

Giữa lúc căng thẳng, chính phủ Trung Quốc quyết định “thêm dầu vào lửa” khi công bố chính thức những sai phạm của Walmart trong quá khứ. Theo đó, gã khổng lồ bán lẻ nước Mỹ từng phải nộp phạt 50.000 USD do kinh doanh thịt bò kém chất lượng, hay từng bị tấn công an ninh mạng. Đáp lại, cách Walmart lựa chọn là giữ im lặng và không có bất kỳ thông báo nào về các sản phẩm từ Tân Cương.

1145270251bb5ad6658o01c8ac7cc3b849e525e3

Walmart từng vướng vải một số lùm xùm tại Trung Quốc. (Ảnh: In These Times).

Cách tiếp cận lạc hậu

Mặc dù thị trường Trung Quốc chỉ đóng góp phần nhỏ vào tổng doanh thu của gã khổng lồ này, song Walmart vẫn muốn duy trì chỗ đứng, thậm chí là mở rộng quy mô tại đây, dù đã rút khỏi nhiều thị trường lớn và tiềm năng khác trên thế giới như Anh, Brazil hay Nhật Bản. Điều này chứng minh rằng Trung Quốc vẫn luôn là một trong những thị trường quan trọng của ngành bán lẻ toàn cầu.

Theo Walmart, lý do khiến họ muốn trụ lại Trung Quốc vì nơi đây là thị trường tập trung nhiều cơ sở sản xuất lớn trên toàn cầu. Không những vậy, khi các ông lớn bán lẻ dần chuyển mình sang mô hình thương mại điện tử, Trung Quốc cũng là nơi đón đầu các xu hướng mới, do đó Walmart muốn mở rộng quy mô ở thị trường tỷ dân.

Thời điểm mới tới Trung Quốc, Walmart đã chọn cách tiếp cận giống như những gì họ đã làm và thành công trên đất Mỹ. Tuy nhiên, cách thức này giờ đây dường như đã trở nên kém hiệu quả, khi nhiều khách hàng lựa chọn tới các siêu thị nội địa nhỏ, nhưng thuận tiện với họ hơn.

Trong giai đoạn 2011 – 2021, Walmart đã tụt từ vị trí số 2 xuống vị trí thứ 4 trong danh sách những đơn vị vận hành đại siêu thị lớn nhất Trung Quốc, theo dữ liệu từ Euromonitor International.

Trong khi đó, báo cáo của Bain & Co và Kantar Wordpanel chỉ ra rằng trong giai đoạn 2016 – 2020, doanh số bán hàng tại các đại siêu thị ở Trung Quốc giảm trung bình khoảng 3% mỗi năm. Trong cùng khoảng thời gian, doanh số bán hàng thông qua thương mại điện tử ở quốc gia này đã tăng lũy kế ở mức 32% một năm.

Trong thời gian gần đây, doanh số của Walmart tại Trung Quốc đã có sự cải thiện, được thúc đẩy bởi nhu cầu tích trữ lương thực của người dân trong bối cảnh các lệnh phong tỏa kéo dài. Dù vậy, điều này cũng không giúp lợi nhuận của Walmart tại Trung Quốc tăng đột biến.

Sam's Club, cửa hàng chuyên bán sỉ các sản phẩm cho các hội viên có trả phí của cửa hàng, đã trở thành điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của Walmart tại Trung Quốc. Mô hình thẻ hội viên đã tạo ra một thị trường ngách cho công ty nơi các khách hàng có thu nhập cao thường mua những sản phẩm đắt tiền.

Dù đón nhận thông tin tích cực từ Sam’s Club, song chỉ mỗi chuỗi cửa hàng này là không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm doanh số và lượng khách hàng tới các đại siêu thị của Walmart tại Trung Quốc trong suốt 7 quý gần nhất.

df7c72d19465007385aeccd283a63ba3-2022061

Cách tiếp cận của Walmart khiến công ty này đi sau các đối thủ Trung Quốc. (Ảnh: Retail TouchPoints).

Tụt lại so với các đối thủ

Trong suốt hai năm qua, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Walmart tại Trung Quốc đã chậm lại, một phần do doanh thu từ các cửa hàng Sam’s Club và mảng kinh doanh thương mại điện tử đang dần chiếm sóng.

Năm 2021, gã khổng lồ ngành bán lẻ của Mỹ chiếm khoảng 10,3% thị phần ngành bán lẻ tại Trung Quốc, tăng 9,5% so với 5 năm trước đó. Mặc dù vậy, thứ hạng của Walmart trong danh sách các nhà bán lẻ hàng đầu thị trường tỷ dân lại tụt từ thứ 3 xuống thứ 4 trong cùng khoảng thời gian trên, theo dữ liệu từ Euromonitor.

Điều này chỉ ra rằng dù vẫn đạt được những cột mốc nhất định, nhưng sự phát triển của Walmart tại Trung Quốc chưa thể bắt kịp tốc độ tăng trưởng của các đối thủ khác, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ nội địa.

Thời gian tới, Walmart có thể còn phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn tại thị trường tỷ dân, đặc biệt là sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, sau những lùm xùm liên quan đến hàng hóa ở Tân Cương.

 

Bà Xiaojing Christina Zhu, người mới ngồi vào vị trí Giám đốc điều hành phụ trách mảng kinh doanh của Walmart tại Trung Quốc từ năm 2020 cũng thừa nhận những khó khăn trên, đồng thời cho rằng doanh nghiệp cần phải tìm kiếm thêm nhân sự mới và thử nghiệm những ý tưởng kinh doanh khác tại Trung Quốc nếu không muốn tụt lại quá sâu so với các đối thủ.

(Theo: http://vietnambiz.vn/la-ong-ke-tren-thi-truong-ban-le-toan-cau-walmart-van-phai-chat-vat-tim-loi-thoat-tai-thi-truong-trung-quoc-2022615151458974.htm)