Sáng 17/6, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thuờng niên 2022 theo hình thức trực tuyến. Buổi họp có sự tham gia của 38 cổ đông/người đại diện theo uỷ quyền, tương ứng với gần 97% số cổ phần có quyền biểu quyết. Kết thúc đại hội, toàn bộ tờ trình đều được thông qua.
Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên. (Ảnh chụp màn hình buổi họp trực tuyến).
Trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, ngành hàng không mở cửa trở lại, năm 2022, ACV lên mục tiêu tổng doanh thu 10.294 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.566 tỷ đồng; tăng lần lượt gần 116% và 159% so với năm 2021.
Nguồn: H.K tổng hợp.
Bên cạnh các yếu tố tích cực giúp hàng không phục hồi thì ACV cho biết tổng công ty cũng vẫn phải đối mặt với loạt khó khăn.
Hàng không là lĩnh vực có tính hội nhập quốc tế cao, do vậy, các biến động bất lợi về địa chính trị, xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh, suy thoái và tăng trưởng kinh tế đều tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV.
Mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước bắt đầu được kiểm soát và thị trường quốc tế đang từng bước dỡ bỏ các hạn chế về tần suất và chặng bay, tuy nhiên việc phục hồi thị trường hàng không quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình hình dịch bệnh cũng như tâm lý e ngại của hành khách và ảnh hưởng của các cuộc xung đột chính trị, suy thoái kinh tế.
Bên cạnh đó, dòng tiền tích lũy để tái đầu tư của ACV trong giai đoạn tới bị sụt giảm do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh cho cả giai đoạn 2021 - 2025.
Giá cả nguyên vật liệu, xăng, dầu liên tục gia tăng tác động đến chi phí vận hành và tổng mức đầu tư của các dự án.
Ngoài ra, quá trình triển khai dự án đầu tư của ACV còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc về thực hiện xin chủ trương đầu tư, về quy hoạch, công tác giao, thuê đất; bàn giao đất quốc phòng để triển khai các dự án, công tác điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, tổng công ty cho biết hiện nay, ACV đang chờ ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phương án phân phối lợi nhuận còn lại và chia cổ tức. Do đó, ACV sẽ thực hiện xin ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thông qua nội dung này ngay sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền theo quy định.
Trong năm 2022, ACV sẽ tập trung nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm sau: Dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành (giai đoạn 1); xây dựng Nhà ga T3 - CHKQT Tân Sơn Nhất; đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; mở rộng Nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ - CHKQT Nội Bài; nhà ga T2 và sân đỗ máy bay - CHKQT Phú Bài; xây dựng nhà ga T2 và sân đỗ máy bay CHKQT Cát Bi.
Kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2022 tối đa không quá 20.070 tỷ đồng.
Phần thảo luận:
Chi phí khấu hao giảm thời gian gần đây do đâu?
Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc: Khấu hao tài sản cố định giảm thời gian qua do tài sản cũ hết khấu hao còn đầu tư mới còn khó khăn. Kết quả giải ngân năm 2021 đã phản ánh tác động của đại dịch, khi chỉ giai ngân được 1.600 tỷ khiến khấu hao giảm cùng một số vướng mắc khác.
Năm 2021, ACV tập trung chuẩn bị đầu tư, năm 2023 sẽ là thời kỳ giải ngân, các công trình lớn sẽ đưa vào hoạt động, khai thác có số vốn lớn như Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài (khoảng 2.500 tỷ).
Kế hoạch giải ngân năm nay sẽ trên 10.000 tỷ, sẽ góp phần tăng khấu hao để tăng dòng tiền luân chuyển, tái đầu tư lại cho ACV.
Kết quả kinh doanh quý II ra sao?
Tổng Giám đốc: Việt Nam nằm trong các nước có tỷ lệ bao phủ vắc xin top đầu thế giới giúp tăng trưởng khách nội địa nằm trong top thế giới nhiều tháng qua.
Song doanh thu của ACV lại đóng góp lớn từ khách quốc tế, khách nội địa chiếm không nhiều.
Với con số lợi nhuận 1.088 tỷ trong quý I thì có hơn 390 từ lợi nhuận tài chính, chênh lệch tỷ giá khoảng 271 tỷ, lợi nhuận khu bay khoảng 217 tỷ còn lại là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính chỉ hơn 200 tỷ.
Quý II, Tổng Giám đốc ACV dự báo tiếp tục tăng trưởng, trong đó lợi nhuận cao đột biến có thể đến từ chênh lệch tỷ giá.
Ông Phiệt nói thêm đồng yên Nhật đang mất giá, cập nhất mới nhất ngày hôm nay thì 1 USD đổi được 133,8 yên, so với đầu năm thì chênh lệch cỡ 20 yên. Tỷ giá hạch toán của Bộ Tài chính công bố hồi đầu năm là 1 yên đổi được 203 VND thì xuống khoảng 179, đem lại lợi nhuận chênh lệch tỷ giá giúp lợi nhuận quý II của ACV sẽ tăng.
Một nguyên nhân khác được Tổng Giám đốc nêu ra giúp lợi nhuận quý II tăng trưởng là việc kiểm soát, tiết giảm các chi phí.
Con số kế hoạch 2.566 tỷ năm nay nếu không có biến động lớn về dịch bệnh thì ACV kỳ vọng sẽ đạt được.
Tiến độ xây dựng sân bay Long Thành?
Tổng Giám đốc: Đây là dự án trọng điểm quốc gia, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban.
Tổng Giám đốc ACV cho biết phấn đấu ngày 2/9/2025 hoàn thành, đưa vào khai thác.
Ông Phiệt cho biết thêm tiến độ hiện nay đang đáp ứng yêu cầu. Năm 2021, ACV tập trung vào khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế nhà ga, thiết kế công trình hạ tầng nhà cảng. Tới nay, gói san nền thoát nước, móng cọc đang đáp ứng tiến độ. Ngày 28/5 đã triển khai thi công cọc và tới tháng 10 là xong.
Về công tác thiết kế nhà ga ngày 17/6 đã cơ bản xong 90%. Phó Thủ tướng chỉ đạo tới tháng 7 phải hoàn thành xong phần thẩm định, tháng 10-11 phải có nhà thầu và khởi công trong quý IV để đảm bảo tiến độ quý I/2025 hoàn thành cơ bản phần xây dựng để có thể triển khai các hoạt động khai thác nhằm đưa vào sử dụng từ tháng 9/2025.
Kế hoạch chuyển sàn sang HOSE của ACV?
Tổng Giám đốc: Như nhiều đại hội trước thì câu chuyện chuyển sàn vẫn đang ở khâu tiến hành quyết toán cổ phần hoá. Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước đã kiện toàn ban chỉ đạo cổ phần hoá và tiếp tục hoàn thiện quyết toán vốn.
Liên quan tới tài sản khu bay, hiện cơ chế về quản lý tài sản đã có song việc đưa tài sản vào doanh nghiệp thì vẫn chưa và một số cơ chế tài chính đang trong quá trình hoàn thiện.
Tổng Giám đốc cho biết sau khi hoàn thiện quyết toán cổ phần hoá, giải quyết các vướng mắc trong ý kiến ở báo cáo kiểm toán nói về khu bay, doanh nghiệp sẽ trình các cấp có thẩm quyền để thông qua việc chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE.
Tiến độ dự án T3 Tân Sơn Nhất?
Tổng Giám đốc: ACV đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đã chọn được nhà thầu. Tuy nhiên đang vướng thủ tục giao đất giữa hàng không và Bộ Quốc phòng. Doanh nghiệp đã báo cáo Bộ Giao thông, Chính phủ giải quyết vướng mắc để có thể khởi công dự án sớm nhất có thể.