Niềm tin vào triển vọng 'hạ cánh mềm' của nền kinh tế Mỹ đứng trước thử thách

19/09/2024 08:18

Niềm tin của các nhà đầu tư vào một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ đang bị thử thách nặng nề, khi đợt tăng lãi suất mới nhất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) làm dấy lên lo ngại về suy thoái và sự bất ổn của thị trường trong thời gian tới.

Các nhà phân tích và nhà đầu tư tin rằng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế đang gia tăng, sau khi Fed kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày 15/6 với quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - mức tăng lớn nhất trong gần ba thập kỷ - và cam kết đưa ra nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để kiềm chế lạm phát gia tăng.

Mặc dù thị trường chứng khoán tăng điểm với hy vọng rằng Fed sẵn sàng dốc toàn lực để chống lại mức lạm phát tồi tệ nhất trong hơn 40 năm, song vẫn ít người tin rằng đà bán tháo trên thị trường chứng khoán sẽ đảo chiều cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng là lạm phát giảm. Chỉ số S&P 500 trên Phố Wall đã giảm 22,2% kể từ đầu năm nay và vẫn đang trong xu hướng giảm.

Steve Bartolini, một nhà quản lý quỹ trái phiếu tại T. Rowe Price, cho biết: “Sự biến động trên thị trường sẽ tiếp tục ở mức cao, điều này khiến những người tham gia thị trường ít quan tâm đến việc chấp nhận rủi ro hơn”.

Việc tăng lãi suất hôm 15/5 của Fed đi kèm với động thái hạ mức dự báo về triển vọng kinh tế, khi ước tính trung bình về tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho năm 2022 của các thành viên Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) đã giảm xuống 1,7%, từ mức dự báo được đưa ra hồi tháng Ba là 2,8%. Ước tính trung bình của FOMC về tỷ lệ thất nghiệp trong năm này tăng lên 3,7%, từ mức 3,5% được đưa ra vào tháng 3/2022. Các quan chức FOMC cũng kỳ vọng lạm phát của Mỹ sẽ cao hơn nhiều vào cuối năm nay.

Các nhà phân tích đã tranh luận về việc liệu Fed có "hạ cánh cứng" bằng cách đưa nền kinh tế vào suy thoái khi quyết định tăng lãi suất, hay ngân hàng này có thể “hạ nhiệt” lạm phát trong khi đà tăng trưởng chậm lại, nghĩa là "hạ cánh mềm"?

Các quan chức Fed đã cho thấy sự  mạnh mẽ trong quyết sách khi đẩy nhanh việc tăng lãi suất. Mặc dù mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm có thể lặp lại tại cuộc họp tiếp theo của ngân hàng này vào tháng Bảy, nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, những động thái như vậy sẽ không "phổ biến".

Bất chấp sự tin tưởng của ông Powell rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể tạo ra một cú “hạ cánh mềm”, song ít người cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi mà không bị tổn hại từ những gì mà Fed đang hành động.

Các nhà phân tích tại Wells Fargo cho biết, tỷ lệ dự đoán kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái hiện đang ở mức cao hơn 50%. Các ngân hàng khác cũng cảnh báo về nguy cơ suy thoái gia tăng của Mỹ bao gồm Deutsche Bank và Morgan Stanley.

Các nhà đầu tư nói rằng, rủi ro suy thoái có thể khiến Fed “quay xe”. Các nhà phân tích của ING cho biết, hành động quyết liệt hơn và nhanh hơn sẽ đi kèm với phí tổn về kinh tế và rủi ro suy thoái gia tăng, điều này có nghĩa là việc cắt giảm lãi suất sẽ nằm trong chương trình nghị sự cho mùa Hè năm 2023.

Kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đồng nghĩa với việc gây thêm nhiều khó khăn cho thị trường chứng khoán vốn đã trải qua nhiều thăng trầm từ đầu năm nay. Dữ liệu từ Bespoke Investment Group cho thấy, thị trường xu thế giảm đi kèm với suy thoái có xu hướng kéo dài hơn và khắc nghiệt hơn, với mức giảm trung bình được dự đoán khoảng 35% cho năm nay.

Sean McGould, Chủ tịch kiêm đồng Giám đốc đầu tư của quỹ đầu cơ Lighthouse Investment Partners, cho biết: “Nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, thu nhập trên mỗi cổ phiếu sẽ giảm và giá cổ phiếu có thể sẽ tiếp tục đi xuống”.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed trong nhiều tuần qua đã báo hiệu rằng nhiều khả năng ngân hàng này sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng Sáu và tháng Bảy, và biên độ tăng có thể giảm vào tháng Chín. Nhưng tâm lý của thị trường đã thay đổi sau dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng cao kỷ lục của Mỹ trong tháng 5/2022, vừa được công bố vào tuần trước.

Trước đó, Fed phải đối mặt với những chỉ trích từ một số nhà đầu tư vì hành động quá chậm trong việc kiềm chế lạm phát. Michael Rosen, Giám đốc đầu tư tại Angeles Investment Advisors, cho biết: “Fed đang ở trong một tình thế rất khó khăn và triển vọng “hạ cánh mềm” ngày càng trở nên mong manh hơn”.

Chỉ số S&P 500 đã tăng 1,45% vào phiên 15/6, khi một số nhà đầu tư cho rằng đó là “phép thử” đối với lòng tin vào Fed, cho thấy thị trường vẫn tin vào cam kết của  ngân hàng này về các hành động chống lại lạm phát cao.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt câu hỏi rằng sự lạc quan đó sẽ tồn tại được bao lâu. Julian Brigden, đồng sáng lập và Chủ tịch của Macro Intelligence 2 Partners, một công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu, cho biết lập trường của Fed không nên được coi là tích cực đối với các tài sản rủi ro. Ông nói: “Lập trường chính sách của Fed đang quá cứng rắn và với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ, dấu hiệu rõ ràng về khả năng xảy ra suy thoái đang lộ diện”.

Đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế và sự biến động liên tục của thị trường chứng khoán có thể thúc đẩy đà tăng của trái phiếu chính phủ. Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm, tỷ lệ nghịch với giá trái phiếu, đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm nay, nhưng đã giảm vào ngày 15/6.

Ông Brigden nói: "Chúng tôi vẫn cực kỳ thận trọng, bởi chúng tôi nhận thấy lạm phát vẫn chưa đạt đỉnh và điều này có thể đòi hỏi Fed có lập trường quyết liệt hơn nữa".

(Theo: http://vietnambiz.vn/niem-tin-vao-trien-vong-ha-canh-mem-cua-nen-kinh-te-my-dung-truoc-thu-thach-20226162154923.htm)